Mỗi dịp tết đến xuân về, không thể thiếu bánh chưng bánh dày trên mâm cúng của người Việt. Tương tự, đối với người Hoa, trên bàn thờ cũng không thể thiếu sự hiện diện của bánh tổ. Bánh tổ không chỉ là loại bánh truyền thống của Trung Quốc, mà sau khi du nhập vào Việt Nam, bánh tổ cũng đã trở thành đặc sản của vùng đất Quảng Nam.
Xem nhanh nội dung bài viết
Bánh tổ là gì? Nguồn gốc của bánh tổ?
Bánh tổ là gì?
Bánh tổ là món ăn tinh thần không thể thiếu vào ngày tết của người Hoa và tại các địa phương miền Trung của Việt Nam. Đây là món bánh ngon, dễ thực hiện và có thể chế biến thành các món ăn khác. Bánh tổ là loại bánh được làm từ bột gạo nếp, có vị ngon ngọt cùng với vị gừng đặc trưng, kết cấu bám dính, ăn vào có cảm giác dai dai.
Ở mỗi địa phương, bánh tổ có màu sắc khác nhau. Ví dụ, ở Quảng Đông, bánh tổ thường có màu nâu, ở Phúc Kiến bánh sẽ có màu hổ phách, ở Giang Nam và Thượng Hải bánh có màu trắng đục.
Nguồn gốc của bánh tổ?
Bánh tổ có nguồn gốc từ Trung Quốc và được ăn quanh năm, nhưng đặc biệt phổ biến trong dịp Tết. Tên bánh trong tiếng Trung là “Nian Gao”, ngụ ý sự thịnh vượng, tiến bộ. Các gia đình thường trưng bày món bánh này trên mâm cỗ với mong muốn năm mới sẽ phát triển và tiến bộ hơn năm cũ. Ngoài ra, theo tiếng Trung, “Gao” là bánh, “Nian” là chất dính, do đó món bánh này được mọi người sử dụng với mong muốn các thành viên trong gia đình luôn bền chặt, gắn bó với nhau bền vững.
Bánh tổ sau này được du nhập vào Hội An, tỉnh Quảng Nam và trở thành một món đặc sản của người dân Quảng Nam. Về tên gọi, khi xưa người dân không biết dịch, thấy món bánh được dùng để thờ cúng tổ tiên nên đặt tên là bánh tổ.
Cách làm bánh tổ truyền thống chuẩn vị Quảng Nam
Bánh tổ là món bánh thơm ngon, dễ làm. Nếu muốn thưởng thức món bánh này theo chuẩn vị Quảng Nam ngay tại nhà, các bạn hãy thực hiện theo các bước dưới đây.
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Bột nếp 500gr
- Đường bát 330gr
- Gừng 100g
- Mè 50gr
- Lá chuối
Cách làm
Bước 1: Lấy nước gừng và bào đường
- Sử dụng dao để bào đường thành những miếng nhỏ hoặc dùng loại đường khác.
- Rửa sạch gừng, giã và vắt lấy nước.
Bước 2: Trộn nước gừng, đường và nước nóng thành một hỗn hợp
- Cho đường, nước gừng và nước nóng vào tô, khuấy đều.
Bước 3: Thêm bột nếp vào hỗn hợp
- Lấy bột nếp cho vào hỗn hợp nước đường và gừng.
- Quậy bột với hỗn hợp nước gừng cho tan đều.
- Khuấy cho tới khi bột hòa vào hỗn hợp trên, có màu nâu đẹp và sánh là được.
Bước 4: Tạo khuôn đựng bánh và đổ hỗn hợp bánh vào
- Sử dụng lá chuối tạo thành khuôn đựng bánh.
- Đổ hỗn hợp bánh vào khuôn đựng.
Bước 5: Hấp bánh
- Đặt bánh vào xửng để hấp. Thời gian hấp bánh là 2 giờ, không để lửa lớn.
- Sau khi lấy ra, bánh thành phẩm sẽ có màu nâu rất đẹp. Sau khi bánh chín, rắc một ít mè rang lên mặt bánh là hoàn thành.
Cách làm bánh tổ người Hoa
Bánh tổ của người Hoa cũng sử dụng đường, bột nếp và gừng, nhưng có hương vị và hình dáng khác với bánh tổ của người dân Quảng Nam. Nếu đã làm được món bánh tổ chuẩn vị Quảng Nam, bạn có thể dựa theo các bước sau để làm món bánh tổ của người Hoa.
Nguyên liệu
- Bột nếp 500gr
- Đậu đỏ 100gr
- Đường tán 385gr
- Gừng 1 củ
- Bột nghệ
- Lá chuối
Cách làm
Bước 1: Lấy nước gừng
- Giã gừng và vắt lấy nước.
Bước 2: Trộn bột
- Trộn bột nếp với đường tán và nước gừng, thêm chút bột nghệ để tạo thành hỗn hợp có màu vàng.
Bước 3: Xử lý đậu đỏ
- Nhặt bỏ những hạt lép, hỏng của đậu đỏ. Rửa sạch và nấu cho mềm như nấu chè.
- Xay nhuyễn đậu đã nấu, sau đó sên với lửa vừa để tạo thành hỗn hợp mịn dẻo.
Bước 4: Hấp bánh
- Cắt lá chuối hoặc dùng nylon lót vào khuôn, phết một lớp dầu ăn lên bề mặt.
- Đổ hỗn hợp bột nếp vào, để nhân đậu đỏ ở giữa rồi đem hấp.
- Thời gian hấp tùy thuộc vào kích thước lớn nhỏ của bánh. Khi bánh chuyển sang màu vàng, nghĩa là đã chín. Sau khi hấp xong, phơi bánh khoảng 3 – 4 ngày để thưởng thức.
Lưu ý để có món bánh tổ ngon
Dù bạn làm bánh tổ theo cách của người Hoa hay Quảng Nam, luôn lưu ý những điều sau để chiếc bánh tổ làm ra đẹp mắt và ngon miệng:
- Chọn loại bột nếp hảo hạng để tạo nên món bánh tổ.
- Màu sắc của món ăn phụ thuộc vào màu của đường, nên chọn loại đường có màu tương ứng.
- Khi hấp bánh, để biết bánh đã chín chưa, dùng đũa hoặc cây tăm đâm vào bánh. Nếu bột không bị trào ra, bánh đã chín. Hoặc quan sát màu sắc của bánh, nếu bánh săn lại, có màu nâu vàng hoặc trắng, nghĩa là đã chín.
Bánh tổ là món ăn không thể thiếu trên bàn thờ của nhiều gia đình mỗi dịp Tết đến. Với bài viết này, hy vọng các bạn có thể tự làm ra những chiếc bánh tổ thơm ngon để gia đình cùng thưởng thức. Tìm hiểu thêm nhiều hơn về ẩm thực tại TP3M.